Từ nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền, sản xuất công nghiệp tăng nhanh; giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động; mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra quy mô ngày càng lớn.
Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, C.Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I (9/1866) họp tại Geneva (Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ), vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ trước mắt. Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ" sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh - nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất thế giới. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.
Nước Mỹ, từ một quốc gia có nền kinh tế lạc hậu, phụ thuộc vào châu Âu, đã mở rộng sản xuất, nhanh chóng phát triển trở thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Thành phố Chicago (Chi-ca-gô) trở thành trung tâm thương nghiệp của Mỹ. Nước Mỹ lao vào cuộc chạy đua cạnh tranh tư bản quyết liệt. Các guồng máy chạy hết công suất suốt ngày đêm, hàng vạn công nhân bị bắt buộc làm việc mỗi ngày từ 14 - 18 giờ, phụ nữ quần quật lao động không kém gì nam giới, nhưng đồng lương chỉ bằng 1/2 nam giới và suốt tuần không có ngày nghỉ; trẻ em phải làm việc 12 giờ/ngày.
Ngày 01/5/1886, tại thành phố Chi-ca-gô, hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn lao động Mỹ", hàng chục ngàn công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít-tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ" trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân, chính quyền tư sản rơi vào thế bị động. Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, vì sự tiến bộ xã hội bị đàn áp đẫm máu, song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nước Mỹ lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân Chi-ca-gô. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan…tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ.
Tại Đại hội thành lập Quốc tế II do Ph.Ăng-ghen lãnh đạo họp ngày 14-7-1889, đại biểu của giai cấp công nhân thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới.
Thực hiện Nghị quyết trên, năm 1890, lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới. Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày Lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới, dành để tôn vinh lao động và gây dựng đoàn kết lao động trên thế giới; là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ở Việt Nam, sau khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 là ngày đoàn kết đấu tranh của mình. Cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930 là một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930 - 1931, từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam, nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít-tinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn vận động của Công hội, công nhân ta biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5, đấu tranh đòi quyền lợi, tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới.
Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Người ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5.
Kể từ sau năm 1975 đến nay, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Việt Nam ngày càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm; sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Nhiều phong trào thi đua lao động, sản xuất xây dựng đất nước, quê hương, cơ quan, đơn vị được phát động sôi nổi, cùng với đó là các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động của tổ chức Công đoàn các cấp: xây dựng mái ấm Công đoàn, các hoạt động Tháng Công nhân,...
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và Tháng Công nhân năm 2022 với chủ đề "Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng", đoàn viên Công đoàn, viên chức, người lao động trường THPT Lê Viết Thuật chúng ta đang ra sức thi đua thực hiện chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và các phong trào: "Đổi mới sáng tạo trong hoạt động dạy và học", "Ngành Giáo dục Nghệ An đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19, gặt hái nhiều thành tích trong năm học 2021-2022”.
CTKA