Trở lại trường THPT Lê Viết Thuật vào một chiều mùa đông tháng 12 năm 2014, những tia nắng ấm vỗ về rọi trên khắp sân trường, hơi ấm ngọt ngào chắt chiu qua từng gân lá bung nở, mọi cảnh vật đều được sửa sang, vô tư khoác lên mình một chiếc áo “mơ phai” đẹp đến lạ kỳ. Và trong thời khắc tuyệt diệu ấy, học sinh trường THPT Lê Viết Thuật lại hăm hở với hoạt động “về nguồn” - đến dâng hương và chăm sóc tại nhà thờ đồng chí Lê Viết Thuật, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, người cộng sản trung kiên, một lãnh tụ xuất sắc của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, người con ưu tú của quê hương mà trường vinh dự được mang tên.
Đây là một trong số nhiều hoạt động theo tinh thần của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được trường THPT Lê Viết Thuật triển khai trong nhiều năm qua. Thế nhưng, năm nay nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội (1944 - 2014) và 25 năm ngày quốc phòng toàn dân (1989 - 2014), theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Minh Sỹ - Bí thư Đoàn trường thì công tác chuẩn bị, triển khai hoạt động “về nguồn” chu đáo hơn nhiều, cho nên cả thầy và trò rất háo hức chờ đợi dịp ra quân này. Thật vậy, trước mắt chúng tôi là hình ảnh của các bạn học sinh đại diện cho các khối lớp 10, 11, 12 được tập hợp ngay ngắn, trang phục gọn gàng sạch đẹp, trên khuôn mặt các em dường như đều cho thấy sự hồi hộp. Mọi dụng cụ đã được chuẩn bị. Chiều thứ 7 ngày 20/12/2014, tiếng trống trường đã điểm 14h. Chúng tôi bắt đầu xuất phát.
Con đường dẫn tới nhà thờ đồng chí Lê Viết Thuật trải đầy nắng ấm, long lanh như mật ong vàng trên từng khóm lá chiều đông, các học sinh với tiếng gọi rộn ràng, bước chân dồn dập, cờ đỏ tung bay... làm sống dậy trong tâm trí chúng tôi về không khí của một thời cách mạng, về bước chân hùng dũng của liên minh công nông, về những lá cớ đỏ sao vàng, tiếng gọi ầm vang của non sông đồng khởi trong phong trào đấu tranh sục sôi hơn 80 năm về trước
Chúng tôi bước vào đền thờ với một không khí trang nghiêm, mọi thanh âm dường như đều chợt tắt mà thay vào đó là tiếng đập thổn thức từ trái tim của thầy cô và học sinh nhà trường. Hoạt động chăm sóc mộ phần, dọn dẹp nhà thờ được triển khai một cách nhanh chóng, các đội nhóm học sinh khối 10-11-12 được phân công công việc rõ ràng và thực hiện rất chu đáo. Các thầy cô thuộc ban chấp hành Đoàn trường: Thầy Nguyễn Minh Sỹ, thầy Nguyễn Đình Thắng, thầy Nguyễn Tiến Lượng, Thầy Lê Văn Sơn và cô Tôn Việt Hà đã xuống chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn học sinh triển khai công việc, đồng thời cùng tham gia hoạt động với học sinh. Những giọt mồ hôi nhẹ rơi trên má của các cô cậu học trò nghiêng nghiêng trong nắng ấm, những nụ cười rạng rỡ, hồn nhiên của các em khiến cho hoạt động “về nguồn” trở nên thật ý nghĩa. Công tác chăm sóc mộ phần, dọn dẹp nhà thờ đã hoàn tất.
Thay mặt cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường, các thầy cô và học sinh trường THPT Lê Viết Thuật có mặt bước vào dâng hương để tưởng nhớ công lao, sự hy sinh vĩ đại của người anh hùng cách mạng Lê Viết Thuật. Những nén hương như lời tâm nguyện, lời ghi ơn sâu sắc mà thầy cô và học sinh nhà trường kính dâng lên đồng chí. Trong không khí trang nghiêm ấy, chúng tôi được nghe thầy Nguyễn Tiến Lượng kể lại tiểu sử của người thanh niên anh hùng Lê Viết Thuật, kể về gia đình, về quê hương mà đặc biệt là chặng đường hoạt động cách mạng đầy gian khổ hy sinh nhưng rất đáng tự hào về đồng chí. Điều ám ảnh chúng tôi trong câu chuyện kể hào hùng đó là hình ảnh của một người con xứ Nghệ chan chứa tình yêu thương, một chiến sĩ cách mạng kiên trung với lòng yêu nước nhiệt thành đã giành trọn cả cuộc đời mình chiến đấu và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng chí Lê Viết Thuật chính là một tượng đài của khúc tráng ca trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam.
Thông qua hoạt động “về nguồn” đầy ý nghĩa này, các học sinh trường THPT Lê Viết Thuật đã có nhiều cơ hội để trải nghiệm với một hoạt động thiết thực, tích cực; rèn luyện tinh thần lao động, gia tăng tình đoàn kết gắn bó, học hỏi được kinh nghiệm sống thực tế mà đặc biệt hơn là hiểu về lịch sử, về một chặng đường cách mạng gian nan nhưng đầy từ hào của dân tộc Việt Nam thông qua tìm hiểu tiểu sử người anh hùng Lê Viết Thuật. Và cũng từ đây, các em sẽ tự ý thức được về bản thân, về trách nhiệm và sứ mạng của mình, phấn đấu rèn luyện đạo đức và học tập tốt.
Chia tay nhà thờ đồng chí Lê Viết Thuật, chúng tôi trở về trường, những tia nắng ấm trên bầu trời mùa đông cao vợi vẫn còn buông tỏa ánh hào quang, thầy cô và học sinh trường THPT Lê Viết Thuật ngoái nhìn bịn rịn và lưu luyến. Câu chuyện về một người con xứ Nghệ anh hùng vẫn vẳng trong trí nhớ, đánh thức trong trái tim mỗi người nỗi niềm bâng khuâng xao xuyến, làm cho chúng tôi càng yêu hơn, tự hào hơn về ngôi trường được mang tên người anh hùng đó: Trường THPT Lê Viết Thuật thân yêu của chúng tôi.
Ảnh và tin: Tiến Lượng