trường trung học phổ thông

LÊ VIẾT THUẬT

Lưu giữ giá trị văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh

Cách đây 10 năm, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Trường THPT Lê Viết Thuật, tập thể các học sinh niên khóa 1987 – 1990 đã tặng cho nhà trường một món quà thể hiện tấm lòng tri ân của thế hệ học sinh cũ, đó là bức tượng Lê Viết Thuật – danh nhân mà trường mang tên. Bức tượng được đúc bằng chất liệu xi măng có chiều cao hơn 1,5 m tính từ phần chân tượng, được đặt trang trọng ở sân trường trước phòng Hội đồng, không những tạo điểm nhấn cho cảnh quan “Xanh – Sạch – Đẹp”, tạo dựng bản sắc văn hóa của trường, mà còn góp phần tôn vinh giá trị lịch sử và giáo dục truyền thống cho các thế hệ giáo viên và học sinh. Đây cũng là nơi các cán bộ, giáo viên, học sinh thường tổ chức dâng hoa, dâng hương trong những ngày lễ kỷ niệm các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước cũng như các sự kiện của nhà trường.

Tuy nhiên đến nay bức tượng Lê Viết Thuật đã bắt đầu xuống cấp theo thời gian, đặt ra yêu cầu cần phải tu sửa, nâng cấp để xứng đáng với tấm gương sáng của một vị tiền bối đã dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hiểu được điều đó, các cựu học sinh niên khóa 1987 – 1990, với sự tài trợ của anh Trần Doãn Hùng và công sức của anh Nguyễn Tiến Trung không quản đường xa lặn lội, đã tổ chức đúc đồng tượng Lê Viết Thuật, theo nguyên mẫu bức tượng trong khuôn viên trường hiện nay. Với chất liệu đồng, bức tượng sẽ được nâng tầm về giá trị thẩm mỹ và trường tồn với thời gian, đồng thời mang ý nghĩa tinh thần văn hóa dân tộc của người Việt.

Tượng đồng chí Lê Viết Thuật

Được sự cho phép của Sở Văn hóa – Thể thao, sau một quá trình thu thấp tư liệu, tạo hình …, việc đúc tượng được thực hiện tại một làng nghề đúc đồng truyền thống ở tỉnh Nam Định, với tổng giá trị gần 200 triệu đồng. Vào ngày 16/10/2021, lễ khánh thành bức tượng đồng đồng chí Lê Viết Thuật đã được tổ chức trang trọng trong niềm vui, niềm tự hào của toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường cũng như các cựu học sinh niên khóa 1987 – 1990. Đây cũng là hoạt động tri ân sâu sắc của các cựu học sinh trong dịp hướng tới kỷ niệm 45 năm thành lập Trường THPT Lê Việt Thuật. Được biết, anh Trần Doãn Hùng từng là học sinh lớp A niên khóa 1987- 1990, hiện anh là doanh nhân trong lĩnh vực vận tải Việt-Lào.

Anh Trần Doãn Hùng (ngoài cùng bên trái) cùng  tập thể lớp A khóa 1987-1990

Thầy Hoàng Minh Lương – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sự kiện khánh thành bức tượng đồng vị tiền bối cách mạng Lê Viết Thuật có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh nhà trường, lưu giữ những giá trị văn hóa, tinh thần, tô điểm thêm cho truyền thống và sự phát triển toàn diện của trường THPT Lê Viết Thuật trong hiện tại và tương lai. Để xứng đáng với ngôi trường mang tên danh nhân Lê Viết Thuật, tập thể cán bộ giáo viên, nhà trường sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy và giữ vững những thành tích về chất lượng giáo dục, đào tạo, xứng đáng với danh hiệu là điểm sáng của ngành giáo dục Nghệ An trong mọi phong trào, hoạt động”.

Tượng cụ Lê Viêt Thuật về đêm

 Trường THPT Lê Viết Thuật - Nơi nâng cánh ước mơ cho tuổi trẻ

          Đồng chí Lê Viết Thuật là một trong những tấm gương tiêu biểu của phong trào cách mạng 1930 – 1931. Đồng chí sinh năm 1902 trong gia đình nghèo ở phố Đệ Thập (nay là phường Bến Thuỷ), thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 14 tuổi, đồng chí cùng làm việc với đồng chí Lê Mao tại nhà máy Diêm. Hàng ngày chứng kiến cảnh lao động khổ cực và chịu bao đòn vọt của chủ nhà máy Diêm, bắt đầu từ đây Lê Viết Thuật dần được giác ngộ được ý thức giai cấp và dân tộc. Sau Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Đông Dương (2/1930), Tỉnh bộ Vinh được hình thành do Lê Mao làm Bí thư, Lê Viết Thuật là uỷ viên Tỉnh uỷ lâm thời Vinh.

          Vào cuối năm 1931, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp phải rút vào hoạt động bí mật. Vào thời gian đó, một loạt cán bộ, đảng viên cộng sản đều bị bắt, sát hại và tù đày. Một mình Lê Viết Thuật, bám trụ kiên cường, chỉ đạo mọi hoạt động của các tổ chức, chi bộ đảng ở Vinh - Bến Thuỷ và các tỉnh trong xứ uỷ Trung kỳ. Nhưng rồi ông cũng bị giặt bắt ngày 7/12/1930. Sau một thời gian bị tù đày và chịu sự tra tấn dã man của bọn thực dân, đồng chí đã hi sinh.

          Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Viết Thuật là tấm gương sáng để hậu thế noi theo và tự giác phấn đấu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, kiên trì học tập, đặt lợi ích của dân tộc và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc.

 

Các tin khác
.